COVID-19
Sở Y tế Hà Nội ngày 12/4 thông báo ghi nhận 1.942 ca COVID-19. Đây là lần đầu sau hơn 100 ngày Hà Nội ghi nhận số ca mắc dưới 2.000.
Bệnh nhân phân bố tại 317 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Sóc Sơn (155); Thanh Trì (154); Hoàng Mai (151); Gia Lâm (139); Long Biên (111).
Từ 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận và thông báo 1.526.753 ca COVID-19 với 1.333 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0,08% tổng ca mắc).
Tới hết ngày 11/4, toàn thành phố còn hơn 147.400 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 1.400 ca so với ngày trước đó. Trong đó, số ca phải điều trị ở bệnh viện chỉ còn 620 người, giảm 10 ca; số còn lại hơn 146.700 ca theo dõi cách ly tại nhà.
Về tiêm vaccine COVID-19, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và CDC Hà Nội báo cáo đã tiêm được gần 4,2 triệu liều nhắc lại (đạt 88%), ngoài ra, có thêm gần 140.000 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Như vậy, 91% người dân từ 18 tuổi trở lên ở Thủ đô đã được tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại. Ngoài ra gần 100% người dân cần tiêm mũi bổ sung cũng đã được tiêm. Khoảng 99,9% trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tuần qua, ngành Y tế nhiều địa phương ở Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các điểm tiêm cố định và lưu động về sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí một số phản ứng sau tiêm vaccine.
Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có khoảng 950.000 trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi. Đây là các đối tượng nhỏ tuổi nên công tác tiêm chủng cần cẩn trọng từ khám sàng lọc đến chỉ định tiêm, tiêm và theo dõi sau tiêm...
TS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, trực tiếp tập huấn cho các cán bộ y tế, nhấn mạnh với nhóm trẻ này trong quá trình khám sàng lọc cần cẩn thận. Thầy thuốc cần thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về khám sàng lọc trước tiêm, trong đó cần lưu ý việc trì hoãn tiêm chủng ở trẻ mắc COVID-19 phải hoãn 3 tháng kể từ ngày trẻ khởi phát bệnh...
TS. BS Đỗ Thiện Hải lưu ý, các cán bộ y tế cần giải thích lợi ích của tiêm chủng, giải thích khả năng có thể xảy ra, hỏi tiền sử bệnh tật, sức khỏe đối tượng tiêm; hướng dẫn chăm sóc sau tiêm; bình tĩnh xử lý nếu có tai biến.
Lưu ý theo dõi sát sao sức khỏe đối tượng tiêm tại điểm tiêm cũng được vị chuyên gia đưa ra; tư vấn phụ huynh theo dõi sức khỏe đối tượng tiêm tại nhà... nếu có dấu hiệu sức khỏe bất thường cần liên hệ với cán bộ y tế để được tư vấn, xử lý kịp thời.
Từ ngày mai 13/4, các trường mầm non ở Hà Nội chính thức mở cửa trở lại đón học sinh tới trường học trực tiếp sau thời gian dài tạm dừng để phòng dịch COVID-19.
(Theo https://suckhoedoisong.vn/)