DI TÍCH LỊCH SỬ VÀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG
“Nhớ ngày mùng bảy tháng ba/Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Mỗi độ Xuân về, lễ Hội chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) luôn là điểm đến, thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách gần xa...
Chùa Láng (Chiêu Thiền tự ), phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Chùa Láng (Chiêu Thiền tự ) là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 1962. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và hiện thân của Ngài là vua Lý Thần Tông. Chùa Láng được dựng trên một thế đất đẹp với nhiều cây cổ thụ rợp mát, phong cảnh u tịch, thâm nghiêm, từ xa xưa đã là “Đệ nhất tùng lâm” (rừng thông cổ thụ nhất ở kinh thành Thăng Long). Khuôn viên của chùa rộng lớn, gồm quần thể các công trình kiến trúc Tam quan ngoại, Tam quan nội và lớp cổng trong cùng, sân, nhà Bát Giác, hai dãy dải vũ song song. Kiến trúc chính của chùa gồm tòa Tiền đường, Phương đình, Trung đường, Thiêu hương, Thượng điện. Hai bên Thượng điện có hai dãy Hành lang, phía sau có nhà Chuông, nhà Khánh, khu thờ Mẫu, thờ Tổ, Tả - hữu mạc…cùng khu vườn Tháp ở phía sau chùa.
Lễ hội chùa Láng diễn ra nhằm ngày mùng 7 tháng Ba âm lịch. Tương truyền đó là ngày sinh cùa Thiền sư Từ đạo Hạnh vị thánh của làng Láng, người được dân làng thờ phụng tại ngôi chùa này.
Tài liệu cũ ghi chép rằng: Hội Láng không phải được tổ chức hàng năm mà cứ phải mươi, mười lăm năm nhất là vào những lúc mưa thuận gió hoà, những khi vận hội thanh bình, nhà nhà no ấm hội mới được mở. Hội được mở cùng ngày với hội chùa Thầy, nơi tu hành của đức thiền sư.
Nghi thức rước kiệu Thánh
Hội Láng hấp dẫn nhất là nghi thức rước kiệu với sự tham gia của 9 làng (nay là 7 phường thuộc quận Đống Đa và 2 phường thuộc quận Cầu Giấy). Trong đó, rước kiệu Đức Thánh Từ lên chùa Hoa Lăng thăm Thánh Phụ, Thánh Mẫu và diễn thuật lại tích Đức Thánh diệt ác, trừ gian trên sông Tô Lịch tại khu vực Quan Hoa. Khi kiệu rước từ chùa Láng ra Cổng Cót, kiệu không đi trên Cầu mà lội qua sông Tô Lịch gọi là Độ Hà, dừng lại trên “Hòn Ngọc” để Hàng Đô chuyển tiếp sang bờ bên kia sông, có đội múa rồng xung quanh Hòn Ngọc.
Múa sênh tiền tại Lễ hội chùa Láng
Để thực hiện cảnh này, bộ đô tuỳ nội phải có 18 trai đinh, phải là những người đang còn chịu tang, như có ý để tang cho Thánh phụ (Từ Vinh) sẽ rước kiệu từ chùa Láng đến cống Cót, rồi độ hà sang sông, chuyển kiệu cho đô tỳ ngoại gồm 36 người, rước kiệu đi tiếp sang tận Dịch Vọng Hậu và lại rước trở về chùa Cả.
Sự độc đáo làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn đấu thần. Tới cửa chùa Thánh Tổ (thờ Đại Điên) đám rước dừng lại, pháo lệnh nổ vang, rồi tiếp đó hàng loạt pháo thăng thiên và pháo chuột được đốt phóng sang chùa Thánh Tổ, sang chỗ kiệu Đại Điên đang núp. Đúng chính ngọ (12 giờ trưa) đám rước thật nhanh đi về chùa Cả. Đêm đó có hát chèo vãn hội.
Rước ngựa gỗ qua một số tuyến phố
Hội Láng ngoài các nghi thức tế lễ, rước Thánh còn có các trò chơi dân gian như thổi cơm thi, đập niêu, chọi gà, hội thơ, hội thư pháp, thi đấu cờ tướng, hát quan họ, chầu văn, cải lương, múa… trong đó đặc sắc nhất phải kể đến thổi cơm thi. Nồi cơm ngon nhất sẽ được dâng lên Đức Thánh.
Thi thổi cơm- trò chơi dân gian mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa Việt.
Lễ hội chùa Láng nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống quê hương làng Láng, đồng thời tưởng nhớ các vị anh hùng, tiền bối đã có nhiều công lao với dân tộc, với làng Láng năm xưa./