LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Lễ hội truyền thống và đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn- Đền Kim Liên
Publish date 12/04/2022 | 14:42  | View Count: 1066

Đền Kim Liên - một trong “Thăng Long tứ trấn” – trấn phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa. Đền Kim Liên trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay thuộc số 148, phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Mảnh đất Thăng Long Hà Nội nghìn năm văn hiến là nơi in dấu biết bao công trình văn hóa lịch sử mang đậm nét Việt thời xa xưa. Tương truyền vào buổi đầu định đô ở miền đất này với những đóng góp lớn lao của các vị thần cho vương triều Lý, bốn ngôi đền đã lần lượt được dựng lên trấn giữ bốn phương của kinh thành: Phía Đông là đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ; phía Tây là đền Voi Phục thờ thần Linh Lang; phía Nam là đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn; phía Bắc là đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Thượng Đế (Đức thần Trấn Vũ).

Đền Kim Liên - một trong “Thăng Long tứ trấn” – trấn phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa. Đền Kim Liên trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay thuộc số 148, phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Những tư liệu hiện còn trong đền như: Sắc phong, văn bia, hoành phi, câu đối đều khẳng định: Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn Đại Vương - vị thần nằm trong hệ thống huyền thoại thời dựng nước và giữ nước của dân tộc, vốn được thờ ở rất nhiều nơi trong địa bàn cư trú của người Việt Cổ. Đầu thời Lê Trung Hưng, Cao Sơn đặc biệt được đề cao do có công phù giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích. Tấm bia “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh tịnh tự”, do sử thần Lê Trung soạn năm Canh Ngọ, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1510) cho biết: Khi vua Lê Tương Dực giấy quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của Lê Lợi, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ, Nguyễn Văn Lữ thụ mệnh đem quân đi chinh phạt, đến địa phận huyện Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình) thấy có ngôi đền cổ đền 4 chữ “Cao Sơn Đại Vương” rất lấy làm kinh dị, bèn vào khẩn cầu mong thần phù giúp. Quả nhiên 10 ngày sau đã thành công. Sau khi lên ngôi, vua Lê Tương Dực đã cho xây lại đền thờ và thần Cao Sơn được triều đình nhà Lê đặc biệt coi trọng. Sau vì nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần thành Thăng Long (nay là phường Phương Liên).

Đền Kim Liên được xây dựng trên một gò đất cao nhất vùng này, nơi mở ra ô Kim Hoa (còn gọi là Ô Đồng Lầm), cửa ngõ giao lưu giữa vùng Sơn Nam với nội thành. Di tích đền Kim Liên đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, kiến trúc đền mang nhiều dấu ấn của các thời đại lịch sử khác nhau, trong đó đậm nét nhất là dấu ấn của thời Nguyễn. Hạng mục kiến trúc của di tích hiện nay gồm: Hồ bán nguyệt, Giếng ngọc, Cổng, sân, Dải vũ hai bên, Nghi Môn, Bái đường và Hậu Cung, ngoài ra còn có đền thờ Mẫu và Miếu bia nằm ở bên Tả (phía Đông). Toàn bộ không gian của di tích có tường bao bọc, cây cối xanh tốt, là thắng tích tiêu biểu tại phía Nam của Thăng Long xưa, Hà Nội nay.

Nằm phía trước cổng đền là Hồ bán nguyệt, bên trên xây tường hoa, bổ trụ bao quanh, bên dưới kè đá tảng, lòng hồ có nước mang ý nghĩa tụ linh, tụ phúc cho di tích. Phía bên trái đền là Giếng ngọc xây theo hình tròn, bên trên xây tường hoa bổ trụ xung quanh, phần móng bên dưới kè đá, giếng có độ sâu vừa phải. Hạng mục này được Thành phố đầu tư xây dựng vào năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Cổng chính đền Kim Liên gồm 4 cột đồng trụ trông khá đồ sộ, xây bằng gạch với ba mái nhỏ uốn cong gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, trên bờ nóc gian giữa đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, hai mái bên gắn các hình rồng lá tạo cho kiến trúc thêm phần uyển chuyển. Đỉnh hai trụ chính đắp chái giành cách điệu, hai trụ bên đắp đôi nghê chầu. Hai cổng phụ hai bên làm dạng hai tầng 8 mái, lợp ngói giả ống. Thân trụ đắp câu đối chữ Hán.

Phía sau cổng là sân gạch vuông khá rộng, hai bên có hai nhà Dải Vũ, mỗi bên 3 gian, xây gạch, mái lợp ngói ta, kết cấu kiểu vì kèo quá giang. Công trình này được khánh thành trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đi hết sân gạch, qua 9 bậc cao được xây bằng những viên gạch vồ (một loại gạch có từ thời Lê Trung Hưng) và đôi sấu đá hướng ra phía cổng. Phần kiến trúc chính nằm trên đỉnh gò, bao gồm Nghi Môn và Đền thờ chính.

Nghi Môn đền Kim Liên là một nếp nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, 4 góc tường hồi xây 4 trụ biểu cao ngang nóc mái. Bên trong gồm 4 bộ vì đỡ mái theo kểu chồng rường giá chiêng, trang trí các họa tiết mây cuộn, phượng hàm thư, long mã trên các câu đầu, bẩy mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Đền chính kết cấu dạng chữ “Đinh”, gồm tòa Bái Đường và Hậu Cung. Bái Đường mới được tôn tạo trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống, gồm 3 gian, 2 chái, gồm 4 mái với những đầu đao cong bay vút lên cao. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, hai đốc mái là rồng lá cách điệu, phía trước các gian giữa để cửa “thượng song hạ bản” vừa tạo sự thông thoáng cho di tích, vừa có tác dụng lấy ánh sáng từ bên ngoài vào. Kết cấu các bộ vì đều theo dạng thức chồng rường giá chiêng.

Tòa Hậu Cung chính là hạng mục gốc còn lại của ngôi “đền” Kim Liên xưa. Hậu Cung là nếp nhà 3 gian xây dọc, mái ngói ta. Bốn bộ vì đỡ mái, được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Gian ngoài đặt hương án sơn son thếp vàng, chạm nổi hình tứ linh, tứ quý. Gian thứ hai xây bệ gạch cao để đặt hai bộ Long Ngai và các đồ Tế Khí. Gian trong cùng đặt Long Ngai, Bài Vị của thần Cao Sơn Đại Vương và hai Nữ thần phối hưởng là “Thuỷ Tinh Đệ Tam Tôn Nữ Đông Hổ Trưng Vương Mẫu” và “Huệ Minh Phu Nhân” (vốn từ nơi khác chuyển về đây). Long Ngai của thần Cao Sơn có kích thước lớn, chạm khắc tinh vi, đây là một di vật có giá trị của di tích.

Đặc biệt, trong đền hiện đang lưu giữ 2 tấm bia đá. Quan trọng nhất là tấm bia “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh tịnh tự” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 làm bằng đá xám mịn. Bia cao 2.43m, rộng 1.57m, dày 0.22m. Trán bia trang trí hình rồng uốn khúc yên ngựa, bờm lửa đặc trưng của thế kỷ XVIII. Nội dung văn bia ca ngợi công lao của thần Cao Sơn cùng 39 đạo sắc phong (22 đạo sắc thuộc thời Lê, 11 đạo sắc thuộc thời Nguyễn và 6 bản sao sắc phong thời Lê), sắc sớm nhất có niên hiệu Vĩnh Tộ nhị niên(1620), sắc muộn nhất niên hiệu Khải Định 9 (1924), cùng nhiều đôi câu đối, hoành phi, cửa võng và các đồ tế khí có giá trị khác.

Hàng năm, lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch (ngày sinh của Đức thần Cao Sơn). Do Đền Kim Liên mang uy danh của thần Cao Sơn nên được tổ chức rất trang trọng, náo nhiệt và thu hút sự tham gia đông đảo của người dân cũng như du khách thập phương.

Di tích đền Kim Liên trở thành một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa, vừa tạo dựng việc đánh dấu mốc giới mạn phía Nam kinh thành Thăng Long, vừa tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho kinh thành. Với ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ tiêu biểu, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 12) của cả nước, trong đó có Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long Tứ Trấn gồm đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm); đền Voi Phục và đền Quán Thánh (quận Ba Đình); đền Kim Liên (quận Đống Đa).

Nhằm bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên; cũng như tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn tới vị thần có công với nước được nhân dân tôn thờ. Quận Đống Đa long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống và đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đền Kim Liên vào ngày 16/4/2022 (tức ngày 16 tháng 3 năm Nhâm Dần) tại đền Kim Liên. Khai mạc từ 6h00’ và dự kiến kết thúc vào 9h30, chương trình buổi lễ gồm: Lễ dâng hương, nghi thức tế lễ, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn và trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn – đền Kim Liên./.

PHÒNG VH-TT QUẬN