TỰ HÀO ĐỐNG ĐA 60 NĂM TỰ HÀO ĐỐNG ĐA 60 NĂM

Bài tham dự Cuộc thi viết 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào':Văn hóa những khu tập thể
Publish date 11/06/2024 | 10:26  | View Count: 152

Tháng 10 năm 1954, Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trong bộn bề công việc thì một trong những việc lớn nhất là sắp xếp nơi cư trú cho rất nhiều gia đình cán bộ, công nhân từ chiến khu trở về.

Những biệt thự, nhà ở của những người di cư đi Nam bỏ lại được trưng dụng và ngăn, chia nhỏ lại, sắp xếp các gia đình vào đó ở. Những căn nhà diện tích chỉ 10-15m2 nhiều khi được ngăn từ những khoảng nhà lớn bằng gỗ dán, cót ép xuất hiện. Một số ngôi nhà vốn là của một gia đình cư dân Hà Nội khi trước, nay được chia nhỏ phân cho chục hộ gia đình mới, được riêng rẽ về nơi ở nhưng phải chung nhau về công trình phụ.

Rất nhiều gia đình cán bộ từ chiến khu về Hà Nội muộn sau năm 1954 còn phải tự đi tìm thuê nhà ở vùng ven đô. Cuộc sống của các gia đình khi ấy thật vất vả, chật hẹp nhưng chẳng ai kêu ca bởi đã được sống trong không khí hòa bình.

Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hiếu

Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hiếu

Để cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên Nhà nước ở Hà Nội, những khu nhà tập thể được khẩn trương xây dựng và ra đời. Đó là các khu tập thể khu vực bờ sông trong lòng đê cạnh đường Trần Quang Khải, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, khu tập thể Văn Chương và đặc biệt là khu tập thể Kim Liên.

Ngoài 8 dãy nhà A dùng cho chuyên gia nước ngoài, khu tập thể Kim Liên còn có 14 dãy nhà B và 8 dãy nhà C khánh thành vào cuối năm 1961 dành cho các gia đình cán bộ, công nhân về ở. Khu tập thể Kim Liên khi đó được gọi là khu tập thể cao tầng cao cấp bởi các dãy nhà 4 tầng được xây bằng bê tông cốt thép, mỗi căn hộ rộng chừng 20m2 và có thể coi là khép kín bởi chỉ có 2 hoặc 4 gia đình dùng chung một công trình phụ. Điện nước được cung cấp đầy đủ suốt ngày đêm, không phải chịu cảnh xếp hàng lấy nước ở máy nước công cộng như ngoài các con phố khi ấy.

Các khu tập thể hình thành ở Hà Nội đã được coi như một hình thái kiến trúc đặc trưng riêng của quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nó cũng mang một nét chung giống các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ như ở Liên Xô và Trung Quốc.

Nói kiểu nhà khu tập thể là hình thái kiến trúc đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhưng thực chất ngày ấy chỉ ở Hà Nội mới có các khu nhà tập thể được xây dựng. Vì thế, hình thái kiến trúc khu nhà tập thể cũng chính là nét đặc trưng riêng của Hà Nội.

Các khu tập thể ra đời đã cải thiện rất nhiều cho đời sống của các gia đình cán bộ và công nhân thời kỳ những năm 1960 trong bối cảnh chung là cả nước đang hăng say bước vào thực hiện các kế hoạch 5 năm để xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Tuy thế, ngày ấy, chỉ có những gia đình cán bộ, công nhân, viên chức làm trong các cơ quan Nhà nước, đủ tiêu chuẩn nhất định về số năm công tác, cống hiến mới được phân nhà trong các khu tập thể. Thậm chí là ở khu tập thể Kim Liên, cán bộ phải có mức lương tương đương cấp phó phòng hay phó quản đốc phân xưởng trở lên mới được phân nhà ở đó. Sau này, tới những năm 1970, Nhà nước mới có điều kiện xây thêm các khu tập thể như Thành Công, Giảng Võ, Trung Tự và tới sau năm 1975 mới xây dựng các khu tập thể như Thanh Xuân, Khương Thượng, Yên Lãng, Thanh Nhàn...

Người dân trong các khu tập thể Hà Nội có lối sống chan hòa, quan tâm lẫn nhau. Ảnh: Hiền Lương

Người dân trong các khu tập thể Hà Nội có lối sống chan hòa, quan tâm lẫn nhau. Ảnh: Hiền Lương

Về vật chất là vậy, nhưng vượt trên tất cả và có ý nghĩa nhất lại chính là việc ra đời văn hóa của các khu tập thể. Đều là cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, mà phần lớn là các gia đình có người tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi từ chiến khu trở về Hà Nội nên trong niềm vui hân hoan được ở nhà mới rộng rãi, các gia đình đều có ý thức tự giác cùng nhau xây dựng nếp sống mới, cùng đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Có thể nói, mối quan hệ trong cuộc sống của cư dân khu tập thể là khoảng giữa của quan hệ và hình ảnh cuộc sống thôn xóm, làng xã và cuộc sống đô thị phố xá. Theo truyền thống lâu đời của người Việt Nam, trong một làng, xã, thường chỉ có vài dòng họ chính. Qua thời gian, mối quan hệ tình cảm kết thân nên nhiều khi trong một làng, xã, mọi người có quan hệ họ hàng "dây mơ rễ má" với nhau rất nhiều. Quan hệ làng, xã nhiều khi trở thành quan hệ của dòng tộc, gắn kết với nhau bởi hương ước riêng, người ta nói “Phép vua thua lệ làng là vậy”.

Còn ở đô thị Hà Nội, nơi “Kinh kỳ, Kẻ Chợ”, cuộc sống của các nhà rất độc lập. Các gia đình trên cùng một con phố, thậm chí cùng một bên hè phố nhiều khi biết rất ít về nhau. Khá kín đáo và lặng lẽ là kiểu sống của người ở phố.

Cư dân của một khu tập thể như ở khu Kim Liên của tôi, vào những năm 1960 ấy, tuy cũng là nguồn gốc tứ xứ đổ về, cán bộ của rất nhiều các cơ quan, nhà máy của trung ương và Hà Nội nhưng lại có điểm chung: Đều là cán bộ Nhà nước. Cuộc sống bình dị và vất vả đã quen thuộc trong thời kháng chiến cũng chỉ mới qua đi chưa tới chục năm, chưa mấy ai quên. Vì thế, khi được về ở tại khu tập thể, họ có thể được coi như là những người đầu tiên khai phá vùng đất mới. Mơ ước lớn nhất của người dân bao giờ cũng là có cuộc sống bình yên, vì thế, dù chưa có chính quyền chung để quản lý ở khu tập thể, mọi người đã tự giác cùng nhau lập ra quy ước chung cho cuộc sống mới. Tôi ngày ấy mới là một thiếu niên, nhưng đã thấy các bậc phụ huynh, cha mẹ mình đối xử với nhau rất nhân ái và sẵn lòng giúp đỡ nhau. Lũ trẻ chúng tôi cũng được sự giáo dục và bảo ban tận tình không chỉ từ cha mẹ, mà còn từ các cô, chú, bác hàng xóm.

Đường trong khu tập thể ban đầu chỉ là các vệt đường mòn đi trên bãi cỏ giữa các dãy nhà. Thế là các cô, chú, bác cùng nhau dành ra những ngày nghỉ chủ nhật để rẫy cỏ làm đường đi dù chỉ là đường đất. Những chiều chủ nhật sau đó, cả người lớn và trẻ con cùng tham gia tổng vệ sinh. Ngày ấy, rác không nhiều nhưng chẳng ai vứt rác bừa bãi, kể cả tụi trẻ con chúng tôi. Chúng tôi tuy nghịch ngợm nhưng rất có ý thức.

Ngày ấy, mỗi nhà có một cái xe đạp, các bác, các chú đi làm về dựng xe trong khoảng gầm cầu thang, không khóa mà chẳng mất bao giờ. Còn tụi trẻ con chúng tôi được sang nhà nhau chơi là chuyện bình thường. Việc nhỏ như khi nấu ăn mà lỡ thiếu thìa mỡ, thìa mắm có thể sang xin hàng xóm. Hằng ngày ra vào ở lối đi chung cầu thang, mọi người gặp đều chào hỏi nhau. Khi đi chợ về lên cầu thang mà ai xách nặng gặp người khác là được xách giúp một phần. Còn khi có việc đột xuất của một nhà như đau ốm, ma chay, cưới xin thì mấy nhà cùng sang giúp.

Từ cha mẹ truyền sang con cái. Cái văn hóa khu tập thể cứ tự nhiên mà hình thành và được gìn giữ như thế cho tới tận ngày nay, khi mà đồng lứa chúng tôi cũng đã lên ông, lên bà. Dù bây giờ đã thay đổi nhiều lớp người mới, sự gắn bó có ít hơn ngày xưa, nhưng tất cả cư dân khu tập thể gặp được những người lớp chúng tôi vẫn được nhắc nhở và chân tình giúp đỡ, như cha mẹ đã giáo dục chúng tôi ngày còn bé.

(Theo https://hanoimoi.vn/)