HOẠT ĐỘNG CÁC PHƯỜNG HOẠT ĐỘNG CÁC PHƯỜNG

Ngõ Thổ Quan Xưa và Nay
Ngày đăng 12/02/2024 | 18:26  | Lượt xem: 1731

Thêm yêu những con Phố, Ngõ của Hà Nội xưa

Ngõ Thổ Quan

Ngõ Thổ Quan (hay còn gọi là ngõ Trại Khách) dài khoảng 800m bắt đầu từ số nhà bắt đầu từ cạnh số nhà 215 phố Khâm Thiên kéo dài tới phố Trung Phụng, vốn là các phần đất của thôn Quan Thổ, thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương và trại Quan Trạm, thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, thành Thăng Long vào thế kỷ XVIII. Khoảng những năm hai mươi thế kỷ trước, có một số nhà buôn Hoa Kiều tậu đất lập trại và xưởng sản xuất. Đường vào ngõ rộng như một phố nhỏ, hai bên kín nhà; bên trong có nhiều ngõ nhỏ đánh số; ngõ 27, ngõ 35, xóm Đình… Ngõ nối dài với đường cái đi theo dọc làng Thổ Quan (Thôn Quan Trạm) thông được sang cả phố Chợ Khâm Thiên, có đường đi ra Đê La Thành..

Tên “Thổ Quan” xuất hiện trước năm 1840 có nghĩa là đất của các Quan, được sáp nhập bởi hai làng cổ là Quan Thổ và Quan Trạm. Địa danh “Quan Trạm” là điểm dừng dân, nghỉ ngơi tạm thời trên đường vào Chầu của các Quan lại trong Triều. Ở cuối ngõ là Đình Thổ Quan, nơi thờ 3 anh em họ Đào là Hiển Hựu đại vương, Quý Minh đại vương và Phương Dung công chúa làm Thành hoàng Đình Thổ Quan. Theo các sách: “Hà Nội nghìn xưa” – của Giáo sư Trần Quốc Vượng Vũ Tuấn Sán và “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc, đều ghi lại đây là những vị thành hoàng làng của Đình Thổ Quan. Di tích Đình Thổ Quan được Bộ văn hóa – thông tin công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật vào ngày 21 tháng 6 năm 1993. Hiện nay, tại di tích vẫn còn lưu giữ được các hiện vật quý hiếm như thần tích, thần phả, sắc phong Hán Nôm, văn bia có giá trị lịch sử, văn hóa. Trước những năm 1938-1940 chưa có mấy người vào mua đất ở đây; chỉ có một người Hoa kiều đầu tiên vào tậu 40 mẫu ta ở xóm Đình (năm 1930), lập ra khu Trại Khách; người đó tên là Tám buôn tơ sợi ở trên phố, Ông cho xây biệt thự nhà hai tầng, sân vườn rộng có hồ bán nguyệt, nhà bát giác thủy tạ, chuồng nuôi hươu nai, (nay là xưởng thiết bị bưu điện) tên Trại Khách cũng bắt đầu từ đó.

Theo thời gian, Ngõ Thổ Quan ngày nay dân cư đông đúc hơn rất nhiều, phần lớn là dân lao động, buôn bán nhỏ lẻ. Các nhà mặt tiền hai bên ngõ đều mở cửa hàng buôn bán sầm uất, tấp nập, các mặt hàng, dịch vụ chủ yếu phục vụ đời sống dân sinh như tạp hóa, quán ăn, tiệm giặt là, làm nghề đậu phụ hay bánh mỳ … Cùng với sự đổi mới và phát triển của kinh tế của đất nước nói chung, dân cư trong ngõ nói riêng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tệ nạn xã hội ngày càng bị đẩy lùi, văn hóa truyền thống như hội Đình Thổ Quan, được phát triển và nâng cao, hy vọng ngõ Thổ Quan sẽ trở thành một điểm du lịch về văn hóa truyền thống như bao con ngõ, phố cổ của Hà Nội thu hút khách thập phương về thăm quan du lịch …

PHAN THẾ LONG