XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

Cách làm hay trong quản lý gầm cầu đường sắt đô thị
Ngày đăng 08/07/2024 | 12:43  | Lượt xem: 81

Giao cá nhân sử dụng tạm gầm cầu đường sắt, tổ chức trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường… là cách phường Thịnh Quang, quận Đống Đa thực hiện nhằm đảm bảo trật tự đô thị, vệ sinh môi trường khu vực gầm cầu đường sắt tuyến Cát Linh – Hà Đông đoạn qua địa bàn.

Xóa “điểm đen” về vệ sinh môi trường

Nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Chính phủ, Bộ GTVT đã nghiêm cấm việc sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Thực hiện quy định trên, những năm qua, phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông tại khu vực gầm cầu đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Khu vực gầm cầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được một số hộ tạm sử dụng làm nơi kinh doanh.

Khu vực gầm cầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang được một số hộ tạm sử dụng làm nơi kinh doanh.

Từ khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, các lực lượng chức năng phường Thịnh Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ; Đồng thời, tổ chức rào chắn một số khu vực gầm cầu tuyến đường sắt đô thị đoạn đi qua địa bàn để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, đổ trộm rác, phế thải…

Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác quản lý trật tự đô thị tại khu vực này đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, những chuyển biến đó chưa thực sự bền vững.

Nói như vậy là bởi, vẫn còn không ít trường hợp cố tình biến khu vực này thành nơi tập kết rác, phế thải mỗi khi lực lượng chức năng không chốt trực. Thậm chí, một số trường hợp còn chiếm dụng gầm cầu thành nơi tập kết, sửa chữa xe máy; tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng… gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Trước thực trạng trên, UBND phường Thịnh Quang và Tổ dân phố số 3, 4 – nơi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi qua đã rà soát, lấy ý kiến cư dân về biện pháp quản lý trật tự đô thị tại khu vực này.

Với mô hình này cả người dân, cơ sở kinh doanh đến chính quyền địa phương đều có lợi, người dân trong khu vực rất phấn khởi. Từ khi mô hình này được triển khai, tình trạng đổ trộm rác, phế thải xây dựng đã cơ bản được xử lý… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân" - bà Lý Thị Điệp - Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, phường Thịnh Quang

Theo đó, các đơn vị chức năng phường Thịnh Quang, hệ thống chính trị khu dân cư đã xin ý kiến, đề xuất tạm cho phép môt số cá nhân có nhà giáp với tuyến đường sắt đô thị sử dụng gầm cầu làm nơi kinh doanh; Đồng thời, tổ chức xanh hóa khu vực gầm cầu bằng hệ thống cây xanh, cây hoa… Từ đó, tình trạng đổ trộm rác, phế thải tại khu vực gầm cầu tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông gây mất vệ sinh môi trường đã cơ bản được xử lý trong thời gian qua.

Cần những quy định chặt chẽ

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, bà Vũ Mai Khanh - Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) chia sẻ, về nguyên tắc, việc sử dụng gầm cầu làm nơi bày bàn ghế, tổ chức kinh doanh… là sai quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế tại cơ sở cho thấy, việc tạm giao cho một số cá nhân sử dụng khu vực gầm cầu đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã có những tác động nhất định đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trong khu vực.

Một số khu vực được rào chắn kết hợp với trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường đô thị.

Một số khu vực được rào chắn kết hợp với trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường đô thị.

Bà Vũ Mai Khanh cho biết, để đảm bảo trật tự đô thị, an toàn phòng cháy, chữa cháy, tránh hệ lụy có thể phát sinh… tại những khu vực trên, UBND phường, Tổ dân phố đã nghiêm cấm các hộ kinh doanh dựng công trình tạm, tổ chức nấu nướng, bày tủ đồ… trong khu vực gầm cầu; Chỉ được phép bày bàn ghế… và phải di chuyển, chấm dứt việc sử dụng gầm cầu làm nơi kinh doanh khi có yêu cầu từ các cơ quan chức năng.

Cùng với đó, có trách nhiệm duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực, tăng cường trồng cây xanh, hoa… để tạo cảnh quan cho khu vực; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn trường hợp đổ trộm rác, phế thải xây dựng sai quy định.

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho hay, căn cứ theo các quy định hiện hành, việc một số cá nhân sử dụng khu vực gầm cầu đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông làm nơi kinh doanh là hoàn toàn sai quy định. Tuy nhiên, nếu cứ “cứng nhắc” rào chắn, bộ mặt đô thị, đặc biệt tại những khu vực tuyến đường sắt đô thị đi sát qua khu dân cư, sát với nhà dân sẽ trở lên cứng nhắc, “thô ráp“…

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần đưa ra những quy định mang tính đặc thù, quy định rõ các hạng mục được phép sử dụng tạm, tạo hành lang pháp lý đầy đủ. Thậm chí, có thể xem xét thí điểm cho thuê vỉa hè những khu vực này để tổ chức kinh doanh…. Sau đó đúc rút kinh nghiệm, bài học, nếu phát huy những điểm tốt có thể nhân rộng, tạo thành điểm nhấn trong công tác quản lý đô thị.

(Theo https://kinhtedothi.vn/)