VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

“Sữa ngoại đang lợi dụng thị trường Việt Nam”
Ngày đăng 09/09/2010 | 00:00  | Lượt xem: 356

(Dân trí) - “Theo quan sát của cá nhân tôi, một số doanh nghiệp sữa ngoại lợi dụng thị trường Việt Nam đang có tiềm năng và cũng rất mới mẻ để tăng giá bất hợp lý. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm soát được giá sữa qua biên giới”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết như vậy quanh vấn đề giá sữa hiện nay và Thông tư 122 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới.
 
Thưa ông, còn gần 1 tháng nữa Thông tư 122 sẽ có hiệu lực, nhưng hiện tại trên thị trường các hãng sữa đã đua nhau tăng giá thêm 10%? Ông nghĩ sao về thực tế này?
 
Hiện tại chúng ta đang kiểm soát giá sữa theo Thông tư 104, các DN chưa phải đăng ký giá. Bắt đầu từ ngày 1/10, các DN từ trung ương tới địa phương mới thực hiện đăng ký giá với cơ quan quản lý giá. Khi đăng ký giá các DN phải có thuyết minh về cơ cấu giá thành hình thành lên trên cơ sở giá bán đó, trên cơ sở thuyết minh đó cơ quan quản lý giá địa phương sẽ kiểm soát yếu tố giá của các DN.
 
Trước khi có chính sách mới, DN sẽ thực hiện chính sách của họ sao cho có lợi nhất. Ví dụ như ôtô, trước khi không thực hiện ưu đãi 50% lệ phí trước bạ thì phải chạy lệ phí. Doanh nghiệp là người kinh doanh, người ta kinh doanh phải tìm lợi ích, chính sách từng thời điểm phục vụ bán hàng.
 
Vì sao Thông tư 122 chỉ kiểm soát mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, “bỏ rơi” sữa cho cho người già, bà bầu?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính)

Thông tư 122 có 2 nội dung, nội dung thứ nhất là đối với các mặt hàng bình ổn giá, trong đó theo quy định của Chính phủ, sữa là mặt hàng bình ổn giá. Nội dung thứ 2, đăng ký giá trên cơ sở nghiên cứu tình hình biến động giá cả vừa qua, Cục quản lý giá tham mưu cho Bộ Tài chính nhặt ra mặt hàng sữa bột cho trẻ em từ 1 - 6 tuổi.

 
Như vậy không phải không xem xét với các mặt hàng khác, mà sữa có tới vài trăm loại, nếu đăng ký giá đồng loạt sẽ tạo ra chi phí xã hội lớn. Đó chưa phải cái cơ quan quản lý mong muốn.
 
Có một nghịch lý đã hiện hữu tại Việt Nam từ rất lâu rồi, đó là thu nhập trung bình của người dân Việt Nam vào loại thấp nhất nhì thế giới nhưng giá sữa lại đắt nhất trên thế giới?
 
Trong một nền kinh tế thị trường, việc giá các mặt hàng tăng hoặc giảm là điều bình thường và chúng ta phải chấp nhận. Tuy nhiên mỗi quốc gia đều chọn cho mình 1 số mặt hàng bình ổn. Theo Nghị định 75, chúng ta chọn ra 14 mặt hàng để bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.
 
Qua kết quả Thanh tra của Bộ Tài chính năm 2009, giá sữa cao do bị đội thêm rất nhiều chi phí bất hợp lý, đặc biệt là chi phí quảng cáo. Chi phí mà các DN sữa quảng cáo trong 6 tháng cuối năm 2008 tăng gần 20 lần cho phép, 6 tháng đầu năm 2009 tăng 10 lần.
 
Vậy trong Thông tư 122 có quy định chế tài xử phạt đối với DN đội chi phí lên bất hợp lý như thế không, thưa ông?
 
Thông tư 122 chỉ là yêu cầu các DN đăng ký giá thôi, còn thực hiện việc bóc chi phí của các DN xem có hợp lý hay không phải có thước đo. Mà thước đo này là bằng quy chế tính giá chứ không phải là các quy định tại Thông tư 122. Thước đo của quy chế tính giá đó Bộ Tài chính sẽ áp vào và các cơ quan tính thuế cũng sẽ dựa trên thước đo đó để tính chi phí hợp lý trong cơ cấu giá của các sản phẩm.
 
Nếu DN nào thực hiện giá bán bất hợp lý sẽ thực hiện các biện pháp như: đình chỉ giá bán mà DN đó đang áp dụng, yêu cầu DN phải bán đúng mức giá hợp lý theo quy chế tính giá, nếu DN cố tình vi phạm cơ quan quản lý giá sẽ thu hồi phần chênh lệch bất hợp lý để vào ngân sách Nhà nước và một biện pháp mạnh nữa là kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh.
 
Khi Thông tư 122 đi vào thực tiễn, người tiêu dùng có quyền kỳ vọng giá sữa tại thị trường Việt Nam sẽ bình ổn hơn?
 
Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng. Cơ quan quản lý về Nhà nước sẽ nỗ lực trong khả năng có thể để bình ổn giá. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước thì phải có một khoảng nào đó để các DN tự quyết định về giá.
 
Quan trọng nhất là người tiêu dùng phải có định hướng cho mình, phải xem xét hành vi các DN quảng cáo về sữa có đúng như thế không, kênh phân phối của họ ra sao, có độc quyền hay không độc quyền?
 
Nếu các DN lợi dụng sự độc quyền để tăng giá bất hợp lý mà cơ quan quản lý chưa kiểm soát được, người tiêu dùng cũng phải có thái độ đối với việc tăng giá đó. Theo tôi được biết, tại Việt Nam một số hãng sữa bán với giá rất bình thường nhưng chất lượng sữa so với sản phẩm của hãng bán giá cao không kém gì đâu.
 
Khi Thông tư 122 có hiệu lực Bộ có công khai tính toán các chi phí cấu thành nên giá cho người dân được biết không, thưa ông?
 
Đây là việc nội bộ giữa cơ quan quản lý giá và nhà sản xuất, do yếu tố bí mật kinh doanh; chỉ khi nào các hãng sữa vi phạm quy chế tính giá, chúng tôi sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Thật ra, các hãng sữa ở nước ngoài, theo cá nhân tôi, có yếu tố lợi dụng thị trường Việt Nam đang tiềm năng và cũng rất mới mẻ để tăng giá một cách bất hợp lý. Bởi đặc thù của mặt hàng sữa do nguyên liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ, phần nhiều từ nước ngoài cung cấp về nên có hiện tượng người ta thao túng mức giá.
 
- Xin cám ơn ông!