Hai chị em cùng đi ở hành lang, tôi rụt rè nói:
-Chị ơi! Em mới về trường, hôm nào chị cho em dự giờ học tập kinh nghiệm của chị một tiết được không ạ?
Nói xong, tôi nghĩ mình sẽ nhận được lời từ chối khéo. Vì tôi hiểu tâm lí chung chẳng ai muốn có người dự giờ của mình. Nhưng điều tôi nghĩ đã không xảy ra. Chị trả lời tôi bằng lời mời nhiệt thành thay vì lời từ chối hay nhận lời miễn cưỡng:
- Ừ em! Thứ 4 chị có tiết 4 ở lớp 6V1 đấy. Em có thời gian thì lên thăm lớp nhé!
Và tôi đã có được bài học đầu tiên ở ngôi trường mới với tiết học rất ấn tượng của chị. Tôi vẫn nhớ hôm đó chị dạy bài Thánh Gióng. Từng bước lên lớp, từng câu hỏi chị đặt, từng vấn đề chị tung ra cho học sinh rất tự nhiên, rất lo gic, học sinh hào hứng từng bước, từng bước khám phá tác phẩm. Và tôi cũng bị lôi cuốn vào tiết học ấy. Một tiết học đúng như lời Bác Hồ từng dặn dò các nhà giáo: “ Cách dạy vui vẻ, nhẹ nhàng, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các cháu”. Từ buổi được là “học sinh” ấy, với tôi chị hơn cả một đồng nghiệp, chị là người thầy của tôi, người truyền cảm hứng của tôi.
Người thầy ấy của tôi là cô giáo Đỗ Thị Linh. Nhắc tới tên chị có lẽ ai đã từng gặp, từng trò chuyện, học sinh nào đã từng được học với chị đều có chẳng thể nào quên dáng vẻ đằm thắm, dịu dàng, nữ tính và chất giọng ngọt ngào của một cô giáo dạy văn. Vẻ đẹp của chị không phải ở mặt hoa da phấn bởi con người chị rất đỗi giản dị. Vẻ đẹp của chị ẩn trong sự giản dị ấy là trái tim yêu thương, là sự lao động tận hiến, sống hết mình và làm việc hết mình.
Tam tự kinh từng có câu: “giáo bất nghiêm sư chi đọa- giáo dục không nghiêm là lỗi ở người thầy” Đặc biệt chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Các thầy cô giáo phải trở thành tấm gương sáng, thành kiểu mẫu cho các em noi theo, phải kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc.” Và “ Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Vâng cô giáo Đỗ Linh- niềm tự hào của Bế Văn Đàn là một tấm gương sống. Gần hai mươi năm trong nghề, bao thế hệ học trò đã qua bàn tay chăm chút, uốn nắn, dạy bảo của cô nay đã trưởng thành và thành đạt. Một cảm nhận chung của học sinh khi được là học sinh của của cô đó là là Hạnh phúc. Hạnh phúc vì cô vô cùng tâm huyết và yêu thương học trò. Hạnh phúc vì cô tỉ mỉ chi chút chăm lo cho từng học sinh. Hạnh phúc vì cô luôn lắng nghe và thấu hiểu học trò của mình. Ai cũng biết giáo viên chủ nhiệm là một chuyên gia tâm lí. Cô chính là một chuyên gia tâm lí cừ khôi. Lứa tuổi mới lớn có biết bao điều khó nói, những buồn vui, những khủng hoảng tâm lí, những câu chuyện nhỏ to của bạn gái mới lớn. Chị nhẹ nhàng lắng nghe các con. Các con tin tưởng cô và chia sẻ. Và sau những câu chuyện chia sẻ là nét mặt rạng rỡ của học trò, là những thay đổi tích cực thể hiện qua thành tích học tập của học sinh. Các con học sinh chia sẻ: “Khi nói chuyện cùng cô Đỗ Linh chúng con cảm thấy không có khoảng cách nào. Cô thật gần gũi, cô như ở trong chúng em, hiểu hết mọi âu lo muộn phiền của chúng em.”
Nếu nói thầy cô là người gieo hạt, là người thắp lên và nuôi dưỡng ước mơ của học trò thì cô chính là người truyền lửa. Bao nhiêu học trò là bấy nhiêu tính cách và số phận. Trước những hoàn cảnh éo le của học sinh, cô không chỉ động viên tinh thần mà còn giúp đỡ vật chất để học trò của mình vững tin, vượt khó đi lên. Có những mùa thi nhìn ánh mắt khao khát được học, được bồi dưỡng kiến thức nhưng hoàn cảnh không cho phép. Chị lại dành phần lương ít ỏi nộp cho học trò. Để rồi cậu học sinh năm ấy giờ đã đỗ vào trường cấp 3 danh tiếng. Rồi đây, em sẽ có nhiều cơ hội hơn, tương lai rộng mở hơn, một tài năng sẽ không bị phí hoài: “ Mình đem đến cho học sinh một cơ hội mà mình biết chắc là học sinh sẽ nắm bắt được thì nên làm em ạ” . Lời tâm sự của chị cho tôi cảm nhận một tấm lòng nhân hậu, bao dung của một cô giáo mang “trái tim của người mẹ” đối đãi với học trò của mình. Cũng chính vì với chị học sinh luôn là trung tâm, luôn ở vị trí đặc biệt nên chị luôn tỉ mỉ, cẩn thận tìm tòi, đào sâu nghiên cứu bài giảng.
Dự giờ chị mới thấy cách chị chuẩn bị bài công phu chu đáo làm sao. Đó là sự chuẩn bị của một trái tim đầy nhiệt huyết và say mê với nghề. Tôi chẳng thể nào quên được tiết học chị dạy bài Ca Huế trên sông Hương. Bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, chị đã đưa lớp học đến với không gian thuyền rồng, thả bồng bềnh trên dòng Hương Giang thơ mộng. Để rồi người dạy và người học đều cảm nhận được nghe ca Huế trên sông Hương quả là một thú vui tao nhã. Đến với giờ dạy Cô bé bán diêm, chị lại khiến học trò nhập vai để rồi cả cô và trò cùng rơi nước mắt. Những giờ học ấy chị dạy không phải bằng tài năng mà bằng tâm huyết của một cô giáo nặng lòng với nghề, nặng lòng với học trò và có trách nhiệm với tương lai của những đứa trẻ ấy, tương lai của đất nước này. Danh hiệu giáo viên giỏi cấp Thành phố và cấp Quận nhiều năm liền thật là phần thưởng xứng đáng dành cho chị.
Ai bảo trên đời này chẳng có người nào là hoàn hảo? Còn tôi, tôi cảm nhận sâu sắc chị là một cô giáo hoàn hảo. Chị là tấm gương nhà giáo luôn lao động sáng tạo, làm việc bền bỉ không mệt mỏi. Với công tác nghiên cứu khoa học, chị luôn làm việc một cách nghiêm túc. Chị từng tâm sự: “Chị rất thích làm sáng kiến kinh nghiệm, không chỉ vì mình được tích lũy mà điều quan trọng mình có thể chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.” Và đúng như vậy, chẳng năm nào chị không làm sáng kiến kinh nghiệm ,và điều tuyệt vời nữa là sáng kiến nào cũng được hội đồng khoa học đánh giá chất lượng, tính ứng dụng thực tiễn cao. Đọc những sáng kiến của chị tôi cảm nhận được một nhà giáo luôn trăn trở với nghề, làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và say mê. Hoàn toàn không chủ quan nếu nói rằng tất cả đồng nghiệp đều dành cho chị tình cảm trân quý. Trân quý bởi cách cư xử của chị với mọi người luôn thân thiện, cởi mở. Trân quý vì chị luôn quan tâm và giúp đỡ mọi người, chỉ cần là giúp được chị không ngại chia sẻ. Chị có thể dành cả đêm giúp bạn hoàn thành bài giảng kịp nộp đúng hạn. Chị có thể hi sinh ngày cuối tuần để giúp bạn thực hiện ý tưởng xây dựng bài giảng. Chị có thể dành thời gian nghỉ ngơi để đến với đồng nghiệp khi cần tâm sự. Với giáo viên trẻ, chị tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, dìu dắt. Lĩnh hội được kiến thức mới hay những phần mềm tiện ích trong dạy học, chị nhiệt tình chỉ bảo cho chị em trong Tổ… Cứ như vậy chỉ cần mọi người cần chị sẽ không nề hà.
Chị là kiểu người nếu mình là bóng râm sẽ kéo người khác đứng vào cho đỡ nắng. Vì vậy chị luôn sẵn lòng giúp đỡ các đồng nghiệp. Chúng tôi thường gọi vui chị là google của nhà Bế. Không hẳn vì chị thông thái mà bởi vì chị luôn có câu trả lời cho mọi người. Đôi lúc tôi tự hỏi một ngày có 24 tiếng vậy mà công việc, mọi mối quan hệ chị đều chu toàn vậy chị dành thời gian cho gia đình như thế nào? Câu trả lời là chính cách làm việc khoa học mà chị luôn có thời gian trò chuyện cùng con, âu yếm cưng nựng con, đưa đón con sau mỗi chiều tan học, đưa con đến điểm vui chơi. Làm mẹ, làm cô giáo… ở vị trí nào chị cũng làm tròn vai. Thật ngưỡng mộ và cảm phục biết bao! Nhớ lời Bác dạy: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức…. Cho nên thầy cô giáo phải gương mẫu nhất là đối với trẻ con.” Là một đảng viên, có lẽ chị chị hiểu hơn ai hết lời dạy của Bác. Vì thế mà ở con người chị tôi cảm nhận tài đức hài hòa hội tụ. Chị xứng đáng là giáo viên thế hệ Hồ Chí Minh. Chị không chỉ truyền cảm hứng cho các cô cậu học trò trong sáng ngây thơ. Mà với tôi, chị chính là người truyền cảm hứng.