DI TÍCH LỊCH SỬ DI TÍCH LỊCH SỬ

Chùa Bà Ngô một kiến trúc tôn giáo đẹp, độc đáo gắn liền với nhiều sự tích và nhân vật trong tiến trình phát triển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Ngày đăng 14/04/2016 | 18:17  | Lượt xem: 1826

Chùa Bà Ngô là một ngôi chùa cổ ở Hà Nội, có niên đại từ thời vua Lý Nhân Tông, có tên chữ là Ngọc Hồ tự tức Chùa Ngọc Hồ, hiện nay tọa lạc số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, Hà Nội.

Theo cuốn Thăng Long cổ tích khảo thì chùa được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (khoảng năm 1127 - 1128). Còn theo sách "La thành cổ tích vịnh" thì nguyên tại đây xưa có một gò hình cái bầu đựng rượu (tửu hồ), năm Kiến Gia thứ 8 (1281), Lý Huệ Tông đã cho dựng trên gò ngôi chùa Ngọc Hồ (bầu bằng ngọc, đẹp và quý như ngọc). Người dân địa phương lại có cách giải thích khác là chùa vốn có một giếng nước rất trong không bao giờ cạn, là một thứ lễ vật tinh khiết bậc nhất dâng lên Tam Bảo. Giếng được bảo vệ như vật báu, được xây và có nắp đậy, hiện nay ở dưới mé tam quan của chùa, coi như bầu nước tinh khiết, quý giá như ngọc nên thành tên chùa.[1].

Cũng theo sách này, vào thời nhà Lê, có một người con gái đẹp lấy chồng là một nhà buôn người Hoa giàu có, bà đã bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi chùa này to đẹp hơn chùa cũ, do đó mới có tên Bà Ngô (Ngô Khách). Chùa được sửa chữa và làm mới qua nhiều năm. Theo Ngọc Hồ tự bi kí dựng năm Tự Đức thứ 17 đã ghi: Năm Tân Dậu (1861) làm mới ngôi nhà Tổ 5 gian, các năm Nhâm Tuất (1862), Quý Hợi (1863), Giáp Tý (1864), Ất Sửu (1865) tô tượng, đúc chuông, sửa chữa nhỏ.

Vào năm Ất Hợi (đời vua Bảo Đại, tức 1935), chùa được sửa chữa lớn nên đã có câu đối (tạm dịch): "Không nhớ tháng Bà Ngô sửa chữa, Chỉ biết năm Bảo Đại khánh thành". Sau lần sửa chữa này, chùa có được diện mạo như ngày nay với đầy đủ kiến trúc của một công trình thờ Phật: tam quan, tiền đường, hậu đường, nhà Tổ, điện Mẫu và nhiều di vật, tế khí quý.

Sự tích kể rằng: có một lần Lê Thánh Tông thăm chùa, thấy trên gác chuông có bóng người đẹp ngâm 2 câu thơ:

Ở đây mến cảnh mến thầy
Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người.

Cũng có thuyết nói rằng nhà vua thấy một thiếu nữ xinh tươi cầm một cành mẫu đơn ngâm mấy câu như sau:

Bà Ngô phong cảnh xinh thay
Đố ai cắt mối sầu này cho xong
Bao giờ về tới ngự cung
Thì ta sẽ dải tấm lòng cho hay
chùa Bà Ngô trên phố Sinh Từ (thời Pháp thuộc)

Vua bèn gặp hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng 2 câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm bài thơ Đường luật như sau:

Ngẫm sự trần chuyện khéo nực cười
Tuy vui đạo phật chửa khuây người
Chày kình mấy khắc tan niềm tục
Hồn bướm năm canh lẫn sự đời
Bể thẳm muôn tầm mong tát cạn
Sóng ân ngàn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười"

Nàng xin phép sửa lại hai câu thực và luận là:

Gió xuân đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời
Bể khổ muôn tầm mong tát cạn
Nguồn ân ngàn trượng dễ khơi vơi…

Vua rất phục, mời nàng lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ.[2]

Một đêm nhà vua làm mơ thấy Tiên hiện tới tự tình và nói ở nơi kinh thành lâu nay thường xảy ra tai dịch là bởi có con Thạch tinh ở dưới cái ao ngay trước quán, đã hóa ra một con bay đi tác quái khắp Kinh thành, phải kịp trừ ngay mới khỏi sinh tra hậu họa lớn. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho đào ngay ở giữa ao trước quán sâu tới 3 thước, đất đỏ như máu, thấy một một hòn đá, bèn đập vỡ tan, vứt ra ngoài sông rồi lấp phẳng ao đi. Từ đó kinh thành rất yên ổn.

Chùa Bà Ngô cũng là bối cảnh cho câu chuyện Tú-Uyên gặp Giáng-Kiều trong truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ. Chàng học trò nghèo Trần Tú Uyên một hôm đi xem hội làm chay ở chùa Ngọc-Hồ:

Ngọc Hồ có đám chay tăng,
Nức nô cảnh Phật, tưng-bừng hội xuân.
Dập dìu tài-tủ giai-nhân,
Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai.

Chiều đến, sắp về, Tú Uyên nhặt được một chiếc "lá hồng" có đề một câu thơ. Chàng định họa lại thì thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp trước cửa tam quan, liền đi theo, nhưng đình Quảng Văn thì thiếu nữ bỗng biến mất khiến cho chàng tương tư sầu muộn.

Tam quan của chùa là gác chuông 2 tầng, 8 mái với 8 góc đao cong. Một quả chuông đồng đúc năm Canh Dần Thành Thái thứ 2 (1887) được treo ở giữa tam quan có dòng chữ "Ngọc Hồ tự chung". Phật điện gồm tiền đường và hậu cung làm theo kiểu "chữ đinh 丁". Hiên trong tiền đường dạng vòm cuốn mở rộng bằng một vì vỏ cua, là một kiểu kiến trúc ít có ở miền Bắc mà chỉ thấy ở Hội An, Huế với 2 đầu làm theo kiểu nhà kèn. Hậu cung 4 gian có nhiều cửa võng. Nhà Tổ, ngoài 2 ban thờ các sư tổ Bồ Đề Đạt ma, các sư tổ của chùa đã viên tịch, còn có bàn thờ đức Văn Xương.

Điện Mẫu thờ các Mẫu, Ngọc Hoàng và vua Lê Thánh Tông ngồi trên ngai rồng. Hai bên thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng hai gia tướng Yết KiêuDã Tượng. Tượng trong chùa hiện có 35 pho được sắp xếp dọc Phật điện. Ngoài những pho như Tam thế, A-di-đà tam tôn, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, Ngọc hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, còn có 10 vị Diêm Vương và tượng Bà Ngô trang phục gần như tượng Mẫu. Tượng Tổ mang nhiều nét chân dung của sư nữ...

Đặc biệt, trước hai bên cổng chính của chùa là hàng câu đối chữ Nôm, một điều rất hiếm gặp tại các chùa ở Hà Nội. Câu đối đó như sau:

Cuộc doanh hoàn đương củi quế gạo châu, cấp của làm duyên, gọi chút được tròn quả phúc;
Chốn thành thị cũng non bồng nước nhược, lên chùa lễ Phật, kìa ai mến cảnh chiền già.

Chùa Bà Ngô được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1993.

(Theo wikipedia.org)