Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong phòng cháy, chữa cháy
Ngày đăng 17/12/2024 | 07:38  | Lượt xem: 51

Thời gian qua, quận Đống Đa đã đẩy mạnh thí điểm ứng dụng thiết bị cảnh báo sớm về PCCC. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực phòng ngừa PCCC trên địa bàn quận.

Bảo đảm truyền tin cảnh báo nhanh nhất đến người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn, Đống Đa có mật độ dân số cao nhất TP (gần 41 vạn dân/9,8km2). Địa bàn quận gồm 21 phường với 380 tổ dân phố cùng nhiều bệnh viện, trường học, di tich lịch sử, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, chung cư cũ, nhà ở kết hợp kinh doanh… Quận đã xây dựng được 398 Tổ liên gia an toàn PCCC; 1.070 điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu, mật độ dân cư cao và 457 mô hình nhà tập thể an toàn PCCC.

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn kiểm tra việc lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy tại các hộ kinh doanh trên địa bàn quận. Ảnh: Nguyên Bảo

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn kiểm tra việc lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy tại các hộ kinh doanh trên địa bàn quận. Ảnh: Nguyên Bảo

Để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác PCCC, UBND quận đã ban hành các kế hoạch tổng kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc 100% cơ sở sớm hoàn thành việc khắc phục các giải pháp trước mắt về PCCC. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ năng PCCC chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ công an các phường, đơn vị, lãnh đạo UBND các phường và người dân trên địa bàn.

Đáng chú ý, quận đã kết hợp cùng Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel thí điểm ứng dụng các thiết bị cảnh báo sớm trong PCCC. Theo đó, công nghệ PCCC thông minh đang được triển khai trên địa bàn quận là hệ thống báo cháy tự động kết nối không dây. Mỗi đầu báo khói, báo nhiệt có thể dễ dàng gắn thêm lên trần nhà của từng phòng. Khi có cháy tại bất kỳ phòng nào, đầu báo phát tín hiệu cảnh báo về thiết bị thu trung tâm. Thông tin sẽ lập tức được gửi đến điện thoại của chủ nhà và trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng PCCC gần nhất. Mục tiêu của thiết bị là truyền tin cảnh báo nhanh nhất đến người dân và hiện thời gian cảnh báo không quá 10 giây.

Kết quả bước đầu, đã có 1.652 đơn vị, cơ sở đã số hóa trên phần mềm hệ thống; một số phường đã hoàn thành trên 90% việc số hóa trong PCCC: Khương Thượng, Thịnh Quang, Ô Chợ Dừa…

Thiết bị cảnh báo sớm gồm bộ đầu thu trung tâm và các mắt tín hiệu cảm biến khói, cảm biến nhiệt. Bộ đầu thu trung tâm có thể hoạt động trong 48 tiếng không cần sạc và thiết bị cảm biến có thời gian hoạt động lên đến 10 năm.

UBND quận, Ban Chỉ đạo công tác PCCC&CNCH quận đã ban hành văn bản, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các nội dung, giao nhiệm vụ đến Chủ tịch UBND của 21 phường phối hợp các đơn vị và Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel phổ biến hướng dẫn tại từng khu vực Tổ liên gia an toàn PCCC, từng cơ sở nhà nhiều căn hộ, nhà thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, quận cũng cập nhật dữ liệu, số hóa các cơ sở quản lý PCCC, tập trung các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, xây dựng trạm bản đồ số để quản lý, kiểm tra. Tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp đến các cơ quan, hộ gia đình ứng dụng công nghệ mới trong công tác truyền tin bảo đảm an ninh, an toàn PCCC. Tập trung hoàn thành 100% các cơ sở thuộc diện quản lý PCCC trên địa bàn được số hóa và được kết nối với trung tâm quản lý điều hành của Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH quận.

Ngoài ra, từng bước đánh giá, nhân rộng việc sử dụng phần mềm Safeone số hóa thông tin các cơ sở nguy cơ cháy nổ, các nguồn nước chữa cháy, nhân lực, dụng cụ sẵn sàng phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn. Số hóa các phương án chữa cháy, lập phương án chữa cháy cho từng khu dân cư, từng khu vực, cơ sở đưa lên bản đồ số để kịp thời cung cấp các thông tin chính xác về đường đi, hướng thoát nạn, tính chất điểm cháy, vị trí họng nước gần nhất, các đơn vị ứng cứu, chữa cháy. Cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông để truyền tải cảnh báo khẩn cấp, truyền thông tin nhanh nhất đến lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH…

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, việc người dân ủng hộ, đồng tình lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm cho thấy sự quan tâm của người dân đến công tác phòng, chống cháy nổ, đặc biệt là công tác phòng, chống, cảnh báo sớm. “UBND quận, Ban Chỉ đạo quận đã giao nhiệm vụ cho UBND các phường tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tại các điểm đã thí điểm lắp đặt thiết bị, tiếp tục mở rộng các mắt cảnh báo để các thiết bị có thể vận hành tối ưu như một mạng lưới tổ liên gia trong cảnh báo PCCC” - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết.

Yêu cầu 100% cơ sở thiết kế, mở lối thoát nạn thứ hai

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong PCCC, thời gian qua, quận Đống Đa cũng tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc khắc phục các tồn tại trong PCCC. Theo đó, quận siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn; kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật về PCCC đối với UBND các phường, các cơ sở trọng điểm, các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nơi tập trung đông người.

Hàng tháng, công tác phòng ngừa, thanh tra, kiểm tra, xử lý về PCCC được thực hiện quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Bộ Công an và TP. Trọng tâm thực hiện theo các chuyên đề phát động như: PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng; cửa hàng bán lẻ xăng, dầu; cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng khí đốt hóa lỏng; các chợ - trung tâm thương mại; cơ sở có mặt bằng cho thuê; điểm trông giữ xe; cơ sở kinh doanh karaoke…

Công tác thường trực chữa cháy, cứu nạn cứu hộ luôn được tăng cường, bảo đảm lực lượng, phương tiện ứng trực sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy 114, duy trì bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Kịp thời tham gia chữa cháy, xử lý, giải quyết kịp thời các vụ cháy, không để xảy ra các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất, 100% các vụ cháy được tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện.

Ngoài ra, xây dựng chương trình, tổ chức học tập, tập luyện về việc vận hành, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, được cấp tại đơn vị. Tiếp tục đôn đốc UBND các phường triển khai mô hình “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm 4 tại chỗ”; mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng”…

Đối với công tác tuyên truyền, trong năm 2024, quận đã cung cấp 57 tin, bài tuyên truyền về PCCC&CNCH cho cơ quan, báo chí; biên soạn 43 tài liệu tuyên truyền về PCCC&CNCH phát trên hệ thống loa phát truyền thanh của quận; in ấn, cấp phát 51.848 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về PCCC. Đồng thời, tổ chức ký cam kết an toàn PCCC tới 6.296 hộ gia đình; tổ chức tuyên truyền, vận động 32.958 người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng “báo cháy 114”…

Ngoài ra, quận tiến hành tổng kiểm tra, rà soát công tác PCCC trên địa bàn. Trong quá trình tổng kiểm tra, công an quận yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ công tác nghiêm túc phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, lỗi vi phạm an toàn PCCC của các cơ sở; yêu cầu 100% cơ sở thiết kế, mở lối thoát nạn thứ hai.

Năm 2024, quận Đống Đa đã tổ chức kiểm tra định kỳ 2.667 lượt cơ sở; lập 2.667 biên bản; kiểm tra đột xuất 75 lượt cơ sở; phối hợp với Phòng PC07 - Công an TP Hà Nội kiểm tra nghiệm thu 74 lượt cơ sở; ra quyết định xử phạt 250 trường hợp/384 lỗi vi phạm về PCCC; xây dựng 1.100 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục về PCCC.

(Theo https://kinhtedothi.vn/)